Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chặng đường 70 năm vẻ vang xây dựng, trưởng thành và phát triển (1949-2019)

PGS.TS.GVCC Đặng Mai Anh

Phó Hiệu trưởng phụ trách

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Cùng hòa chung không khí phấn khởi của ngành giáo dục cả nước tiến tới niệm 37 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2019). Trường Đại học Mỹ  thuật Công nghiệp tưng bừng chào mừng Đại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1949-2019) thân yêu.

70 năm – Một chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với rất nhiều gian nan thử thách nhưng cũng thật vẻ vang, đáng tự hào cùng đầy những thành tích cống hiến cho xã hội, góp phần vào sự nghiệp chung phát triển của đất nước. Một chặng đường với các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường đã liên tục cố gắng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu vươn lên khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo Mỹ thuật ứng dụng và thực tế đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu Mỹ thuật ứng dụng có uy tín hàng đầu Việt Nam.

Gắn với chặng đường lịch sử của dân tộc, 70 năm qua Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã kết thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, đoàn kết, chung tay, đồng lòng vượt qua khó khăn, nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 70 năm xây dựng, trưởng thành, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã trải qua các chặng đường in đậm dấu ấn lịch sử quan trọng, gắn bó với nhiều lớp thế hệ cán bộ, giảng viên học viên, sinh viên nhà trường.

Những trang lịch sử đáng tự hào của Nhà trường trong suốt 70 năm – một chặng đường dài gắn với những mốc son lịch sử đã tạo đà phát triển, tạo ra thế lực trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của Nhà trường. 70 năm, khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không ngắn, sẽ chẳng thấm tháp gì nếu đem so đo với lịch sử của một đất nước, một dân tộc, song với một cuộc đời hay một cơ sở giáo dục đào tạo lại thật nhiều ý nghĩa.

Trong quá trình phát triển của Nhà trường, Trường đã  vinh dự, tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trường vào ngày 25 tháng 10 năm 1958. Thực hiện những chỉ dạy và định hướng phát triển của Người, trong suốt chặng đường phấn đấu của Nhà trường luôn không ngừng đổi mới, xác định phát triển theo đúng mục tiêu và định hướng, không ngừng tăng lên về số lượng, chất lượng, quy mô đào tạo, phát triển toàn diện và đã được ghi nhận nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng Mỹ thuật Công nghiệp vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các bộ, ngành… đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam… cùng sự chia sẻ ủng hộ của rất nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường và nhân dân, những người luôn chia sẻ, ủng hộ Nhà trường những lúc khó khăn nhất của thời kỳ kháng chiến… tất cả để cùng tạo dựng một Nhà trường Mỹ thuật Công nghiệp như hôm nay.

Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường là một dấu mốc son, nhìn lại một quá trình đáng tự hào đã đi qua của Nhà trường, để chúng ta cùng nhìn lại tổng kết, đánh giá quá trình hình thành xây dựng và phát triển của nhà trường, biểu dương thành tích trong Đào tạo, Nghiên cứu khoa học (NCKH), những ứng dụng mỹ thuật cho xã hội của tập thể, cá nhân về mọi mặt của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Các giai đoạn hình thành, xây dựng và phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (1949 – 2019)

  1. Giai đoạn 1949-1958

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN) được thành lập ngày 8 tháng 7 năm 1949 với tên trường: “Quốc gia Mỹ nghệ” – là trường sơ cấp, được Bộ chủ quản là Bộ Công thương (Sau này là bộ Nội thương và Công nghiệp) tiếp quản vào năm 1954, Trường là nơi đào tạo nghệ nhân cho một số nghề thủ công Mỹ nghệ như: sơn mài, chạm kim, dệt thảm len, nghề mộc… Tháng 12 năm 1954 trường được chuyển về Bộ Tuyên truyền-Văn nghệ ( Bộ Văn hoá-Thông tin sau này) với tên gọi mới là “Trường Mỹ nghệ Việt Nam”.

Năm 1956 lần đầu tiên sau ngày tiếp quản trường tổ chức tuyển sinh. Bên cạnh đó Nhà trường đưa ra chủ trương chuẩn bị về mọi mặt để nâng cấp trường lên thành trường trung cấp. Vì vậy thời gian này đã bước vào kiện toàn nhân sự, rà soát lại mục tiêu, chương trình đào tạo, mở xưởng sản xuất, củng cố cơ sở vật chất…

  1. Giai đoạn 1958-1965

 Một sự kiện quan trọng và là niềm vinh dự, tự hào đối với nhà trường, ngày 25 tháng 10 năm 1958 được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác về thăm và chỉ đạo, định hướng phát triển, làm cơ sở để trường phấn đấu xây dựng những năm tiếp theo.

Bác Hồ về thăm Trường ngày 25/10/1958

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trường nhân dịp 30 năm thành lập trường năm 1979

Thực hiện sự chỉ đạo và lời dạy của Người về định hướng phát triển, vào thời điểm này Nhà trường đã xác định được nhiệm vụ chính trị và mục tiêu đào tạo là đào tạo ra các cán bộ làm nhiệm vụ sáng tác và thể hiện các mẫu hàng hoá mỹ nghệ phục phụ cho sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hoá phục vụ nhân dân. Vì vậy đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt như con người, chương trình, kế hoạch, mở rộng quy mô đào tạo, cơ sở vật chất…

 Với những thành tích đã đạt được của Trường về mọi mặt, Bộ Văn hoá ra quyết định số 165 VH/QĐ ngày 22 tháng 10 năm 1959 quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa nâng cấp trường “Sơ cấp Mỹ nghệ Việt Nam lên trình độ Trung cấp Mỹ nghệ”. Vào thời gian này, nhà trường đã mở ra những ngành đào tạo mới như: gốm, sứ, trang trí vải lụa, đồ chơi trẻ em, thiết kế đồ gỗ, thiết kế song mây tre, điêu khắc đá và gỗ. Việc trường được nâng cấp lên hệ Trung cấp đã khẳng định vai trò, vị trí của trường là đào tạo Trang trí – Mỹ nghệ, dần dần đưa đào tạo ngành nghề có tính ứng dụng rõ nét hơn bên cạnh những truyền thống vốn có.

Quyết định số 165 VH/QĐ, ngày 22/10/1959 của Bộ Văn hóa về việc nâng cấp từ trường Sơ cấp Mỹ nghệ Việt Nam thành Trung cấp Mỹ nghệ

 Vào đầu những năm 60 của thể kỷ XX, Nhà trường tiếp tục phấn đấu để phát triển, đã xác định được mục tiêu tiếp theo là đem thẩm mỹ vào sản xuất, làm đẹp sản phẩm, phục vụ tiêu dùng, phục vụ phát triển công nghiệp của đất nước. Như vậy mục tiêu MTCN ra đời và rõ ràng hơn. Mặt khác chuẩn bị kỹ về con người, cử người đi học, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài về lĩnh vực MTCN và đào tạo MTCN, mời các giáo sư nước ngoài sang trao đổi, giảng dạy về một số chuyên ngành MTƯD, xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch giảng dạy theo hướng MTCN, quan tâm đến sản xuất, ứng dụng, chuẩn bị cơ sở vật chất, phát triển về quy mô… Ngày 6 tháng 6 năm 1962, Bộ Văn hoá ra Quyết định số 218 VH/QĐ trường được đổi tên thành trường “Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp”. Cũng trong năm 1962 trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba và là trường tiên tiến của ngànhVăn hoá.

  1. Giai đoạn 1965-1984

 Thực hiện quyết định số 185/CP, ngày 3 tháng 9 năm 1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở hệ Cao đẳng tại trường trung học chuyên nghiệp và đổi tên trường “Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp” thành trường “Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp” (CĐMTCN).

Quyết định số 218 VH/QĐ,ngày 06/6/1962 của Bộ Văn hóa về việc đổi tên Trường Trung cấp Mỹ nghệ thành Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp và quyết định số 185 CP ngày 03/9/1965 của Hội đồng Chính phủ về việc mở hệ Cao đẳng tại Trường Trung học chuyên nghiệp Mỹ nghệ công nghiệp

Sau khi có quyết định, nhà trường tuyển sinh khoá Cao đẳng đầu tiên, cũng vào thời điểm này Nhà trường phải rời Hà Nội đi sơ tán lên Hà Bắc (những năm1965-1967 và 1967- 1971 – lần thứ nhất), và năm 1972 sơ tán lên Đoan Hùng (Vĩnh Phú – lần thứ hai) – Đây là giai đoạn thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa Nhà trường đến nơi sơ tán đảm bảo nhiệm vụ vừa học tập, vừa 3 sẵn sàng. Đây là thời kỳ đi sâu vào ký ức của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên của thời kỳ này thật ấm tình của những người dân địa phương cưu mang, nhường đất, dựng nhà ở để Nhà trường đảm bảo duy trì và hoàn thành nhiệm vụ học tập tốt, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Đoàn các cán bộ, giảng viên, sinh viên các thế hệ của Nhà trường về Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay Bắc Ninh) thăm nơi sơ tác giai đoạn 1965-1971 ngày 28.10.2019 và thăm tượng đài quân và dân tại thị trấn Kép, Bắc Giang – Là tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải cùng sinh viên Nhà trường trong thời gian sơ tán sáng tác và thi công tri ân địa phương tỉnh Bắc Giang năm 1967.

Theo Quyết định số 101/TTg, ngày 14/4/1972 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp từ Bộ Văn hoá sang Bộ Công nghiệp nhẹ. Đồng thời, Bộ Công nghiệp nhẹ đã ký Quyết định số 569/CNN-TCQL, ngày 26/8/1973 chính thức tiếp nhận trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp từ Bộ Văn hoá sang Bộ Công nghiệp nhẹ.

Từ năm 1965, song song với việc đào tạo ở bậc học trung cấp, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo hệ Cao đẳng chính quy ngành Mỹ thuật công nghiệp. Đây là thời gian Trường được ký quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nhẹ được phép đào tạo hệ Trung học sang 4 năm.

Quyết định số 101/TTg, ngày 14/4/1972 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp từ Bộ Văn hoá sang Bộ Công nghiệp nhẹ và quyết định 921/CNn/CBĐT ngày 21/10/1972 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ về việc đào tạo hệ Trung cấp 4 năm.

Quyết định số 276/CNn/TCQL Ngày 26/4/1973 Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ ký Quyết định chấn chỉnh tổ chức trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp.

Theo quyết định 206/CT ngày 26/7/1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc chuyển giao trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp từ Bộ Công nghiệp nhẹ sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Theo biên bản bàn giao giữa hai bộ ngày 22/9/1982 do Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Hồ Thị Chí và Thứ trưởng Bộ Đại học và THCN Hoàng Xuân Tùy, thực tế Nhà trường thời điểm này, tổng biên chế là 198 người (cán bộ lãnh đạo nhà trường và các phòng khoa: 30 người, cán bộ giảng dạy: 79 người, cán bộ công nhân viên chức: 89 người); tổng số học sinh là 308 người (học sinh cao đăng dài hạn tập trung là: 201 người, học sinh cao đẳng tại chức: 79 người, học sinh Trung học hệ dài hạn tập trung: 28 người).

  1. Giai đoạn 1984 đến nay

Ngày 16/11/1984 Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tường Chính phủ) ra quyết định số 148/HĐBT đổi tên trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp thành trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. với 13 ngành là: Thiết kế trang trí Dệt; Thiết kế Đồ hoạ;  Thiết kế Nội thất; Điêu khắc; Hội hoạ Hoành tráng; Thiết kế Thời trang; Gốm; Thiết kế Trang sức; Sơn mài; Thiết kế Đồ chơi và phương tiện hỗ trợ học tập; Thiết kế Thuỷ tinh; Thiết kế trang trí Kim loại; Thiết kế Công nghiệp. Tổng số khoá học nhà trường đào tạo ở giai đoạn này là: 20 khoá trung cấp, với số sinh viên tốt nghiệp là: 534 người và 20 khoá cao đẳng với số sinh viên tốt nghiệp là: 352 người.

Năm 1984 trường đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trường ĐHMTCN vinh dự nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước về thăm trường. Phải kể đến đồng chí Trường Chinh, Đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp…

Sau khi được đổi tên và nâng cấp từ đào tạo trình độ Cao đẳng lên trình độ Đại học, Nhà trường tiếp tục là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội với 14 chuyên ngành thuộc hệ đào tạo Đại học ( Đại học chính qui, Song bằng, Văn bằng 2, Vừa làm vừa học) thuộc lĩnh vực Mỹ thuật Công nghiệp.

 Nhà trường cũng đã mở lớp tại các cơ sở đào tạo liên kết Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Nam Định, Gia Lâm… Hầu hết những sinh viên và học viên hoàn thành khoá học với những thiết kế đồ án và thuyết minh, luận văn tốt nghiệp có chất lượng cao, nhiều đồ án tốt nghiệp đã được đánh giá là những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có giá trị ứng dụng rộng rãi trong xã hội và kết quả có những đồ án đạt tác phẩm nghệ thuật được giải thưởng quốc tế, quốc gia và lưu giữ tại trong nước và quốc tế.

 Năm 2000 Trường được Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép mở hệ Cao học với hai chuyên ngành: Thiết kế Công nghiệp và Lý luận & Lịch sử Mỹ thuật Công nghiệp; đến năm 2012 được đổi tên lại hai chuyên ngành: Lý luận và lịch sử Mỹ thuật Ứng dụng (Mã số: 60210401) và Mỹ thuật Ứng dụng (Mã số: 60210410). Hiện nay Trường đã tuyển sinh và đào tạo đến khóa Thạc sĩ thứ 20, đã tốt nghiệp 18 khóa với trên 350 học viên, đã hoàn thành một khóa học liên kết với 45 học viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (2015-2017), hiện đang làm hồ sơ tiếp tục khóa liên kết Thạc sĩ tại Đà Nẵng. Với sự nỗ lực củng cố đạt chuẩn, chất lượng, là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo trình độ Thạc sĩ. Với sự phấn đấu, sự tâm huyết của các giảng viên, học viên những luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ đã trở thành những tài liệu nghiên cứu hữu ích phục vụ cho công tác NCKH, đào tạo của nhà trường. Góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực Mỹ thauatj ứng dụng của Việt Nam.

Bước vào chặng đường mới của thời kỳ hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Hoạt động giảng dạy, học tập của trường đã và đang từng bước được đổi mới pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiên cứu khoa học- công nghệ, từng bước thực hiện đổi mới chương trình đào tạo; Tăng cường công tác tư vấn và các giải pháp trong công tác tuyển sinh, xác là nhiệm vụ quan trọng cần được tập trung thực hiện.  Bằng nhiều giải pháp chủ động, tích cực quy mô tuyển sinh của trường những năm gần đây được ổn định, số lượng thí sinh đăng ký thi tuyển cao gấp 3, 4 lần só với chỉ tiêu, chất lượng đầu vào được nâng cao; Bên cạnh đó Nhà trường cũng tăng cường các hoạt động liên kết đào tạo, ký kết các hợp tác ghi nhớ quốc tế với một số trường Đại học và doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn quốc, Thái Lan, Lào… đây là những đổi mới đáng kể tạo cho sinh viên Nhà trường được tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài giảng dạy và đào tạo ngay tại Nhà trường, sau đó tạo công việc cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế Nhà trường và đầu ra khi tốt nghiệp với những mức lương xứng đáng tại các công ty nước ngoài ở Việt Nam; Tổ chức các triển lãm và Workshop trong và ngoài nước. Đặc biệt năm 2018, sự kiện Mach Coneccting được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong mười sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Kế tiếp sự kiện này Hanoi Art Coneccting 2019 với sự tham gia của 160 họa sĩ, nhà điêu khắc của 24 nước trên thế giới đã tạo nên một sân chơi trao đổi chuyên môn, nghệ thuật và là những thị phạm thiết thực nhất để sinh viên Nhà trường cùng tham gia, học hỏi trên nhiều phương diện: học tập chuyên môn, ngoại ngữ và tinh thần quốc tế hữu nghị.

Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giảng, tạo nguồn cán bộ… cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận, tăng cường quan tâm đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ; Đầu tư xây dựng, mua sắm, bổ sung trang thiết bị hiện đại từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy, nghiên cứu và quản lý; Bên cạnh đó công tác an ninh chính trị nội bộ, quốc phòng, quân sự địa phương, luôn được nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Nhà trường luôn coi trọng và đề cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự tham gia đóng góp của các tổ chức quần chúng Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên nhằm tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ trong trong định hướng lớn của Nhà trường.

***

Hiện nay, trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên là 155 người là viên chức đã qua tuyển dụng, 03 người thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định 68, và 22 người thực hiện theo chế độ các loại hợp đồng lao động. Hiện tại có  125 giảng viên, còn lại là 55 chuyên viên hành chính và nhân viên hỗ trợ phục vụ đào tạo. Trong đó có 01 PGS, 08 Tiến sĩ, 137 Thạc sỹ, 29 đại học và 06 trình độ khác – là những người có tâm huyết với nghề. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường trong giai đoạn này không ngừng học tập phấn đấu nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ và chuẩn nghề nghiệp.

Phấn khởi, tự hào về truyền thống vẻ vang, về những kết quả, thành tích đã đạt được, bên cạnh những thuận lợi, Nhà trường còn những khó khăn hạn chế nhất định cần khắc phục.

– Việc xây dựng thiết chế, văn bản quản lý cần phải luôn hoàn thiện kịp và đồng bộ với những văn bản các cấp trên ban hành.

– Phấn đấu thực hiện công tác đánh giá đảm bảo chất lượng công tác đào tạo.

– Định hướng về xây dựng chương trình đào tạo hệ Đại học về tín chỉ nhằm rút ngắn thời gian đào tạo vẫn đảm bảo các khối lượng kiến thức, xây dựng chương trình khung, đề cương chi tiết, tiến tới xây dựng chuẩn giáo trình, giáo án giảng dạy của mỗi giảng viên khi lên lớp.

– Việc đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ cần đổi mới để đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội. Phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, gắn việc nghiên cứu với thực tiễn, đưa những nghiên cứu thiết thực đến với nhu cầu xã hội và có tác dụng tốt trong công tác đào tạo chuyên môn.

– Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng chương trình giảng dạy và theo kịp công nghệ tiên tiến.

– Công tác tuyển sinh hàng năm tuy đạt được một số thành quả, nhưng vẫn phải đối diện với thách thức do sự cạnh tranh ngày càng ngay gắt trong tuyển sinh giữa các trường cùng đào tạo lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng tại Hà Nội và cả nước, một số chuyên ngành nhu cầu người học thấp, chất lượng đào tạo cần đảm bảo kiến thức nền tảng phù hợp với cập nhật kiến thức tiên tiến và xu hướng hội nhập, đổi mới và nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo tiếp cận trình độ quốc tế, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn, đồng thời vẫn phải giữ vững những kết quả thành tựu của những năm qua đã đạt được.

– Mở rộng hợp lý quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tư vấn, dịch vụ đào tạo Mỹ thuật công nghiệp và thiết kế các công trình liên quan đến mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng, nhằm tăng cường hoạt động thực tiễn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời tăng thu nhập chính đáng từ nghề nghiệp.

– Tiếp tục đẩy mạnh, tăng nguồn chi cho công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về số lượng và chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp tiếp cận, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, rà soát, quy hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn quản lý, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện để lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện.

Để thực hiện nhiệm vụ của nhà trường và đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, yêu cầu của thị trường và xã hội, cán bộ, viên chức, giảng viên và học viên, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, nêu cao phẩm chất “Tận tụy, Đoàn kết, sáng tạo” để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng là trường đào tạo đầu đào tạo lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng góp phần xây dựng và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ Hội nhập quốc tế.

***

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù có nhiều biến động, thay đổi  về chính sách cơ chế, tiến đến quá trình tự chủ và những thay đổi theo tinh thần cùng ngành Giáo dục bước vào năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Những thành quả 70 năm Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã đạt được, đã thực hiện các nhiệm vụ theo từng thời kỳ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy và học, từng bước trưởng thành và phát triển để có thương hiệu Mỹ thuật Công nghiệp như ngày hôm nay. Những kết quả, thành tích của trường đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nước nhà.

Kỷ niệm 70 thành lập Trường là dịp để mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên ôn lại chặng đường lịch sự tự hào nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách, khơi dậy tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống đoàn kết, phấn đấu, đùm bọc yêu thương, cộng đồng trách nhiệm của các thế hệ đi trước để truyền thống tốt đẹp vẻ vang đó lan toả mãi tới lớp lớp cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Nhà trường – những người đã, đang và sẽ đóng góp xứng đáng trong phát triển của lĩnh vực đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị và giữ vững an sinh xã hội của đất nước.

Những thành tích của Trường trong 70 năm qua là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Nhà trường; của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, Công an PA03 thành phố Hà Nội…; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị. Thay mặt cán bộ, cán bộ, giảng viên, người lao động trường và các học viên, sinh viên Nhà trường… Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Bộ, ban, ngành…; sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị, địa phương đã ủng hộ, giúp đỡ Nhà trường trong thời gian qua, và mong muốn tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

***

Có thể khẳng định con đường mà Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong những thời điểm lịch sử đã qua và đang được tiếp nối hôm nay về đổi mới giáo dục đại học trong giai đoạn cách mạng hiện tại. Nhà trường đã và đang tiếp tục từng bước hiện thực mục tiêu chiến lược phấn đấu xây dựng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thành một cơ sở đào tạo về lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng hàng đầu trong cả nước, có hệ thống chương trình, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đạt tiêu chuẩn khu vực, đồng thời tận dụng tối đa thế mạnh chuyên sâu về đào tạo Mỹ thuật ứng dụng. Góp phần cùng ngành giáo dục xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu “ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”.

                                                                                                                        ĐMA

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan