Hội thảo đổi mới chương trình đào tạo – Khoa Trang trí Nội ngoại thất

Thuộc chuỗi hoạt động tiến tới tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, khoa Trang trí Nội ngoại thất triển khai thực hiện Hội thảo khoa học: “Đổi mới chương trình đào tạo các chuyên ngành khoa trang trí Nội ngoại thất” nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Hội thảo có sự hiện diện của: PGS. TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng Phụ trách Nhà trường; ThS Trần Bá Tăng – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, ThS. Bùi Trung Dũng – Phó trưởng phòng Đào tạo; ThS. GVC Hồ Nam – Trưởng phòng Quản lý Khoa học cùng sự tham gia của toàn thể giảng viên khoa Trang trí Nội ngoại thất và các cán bộ, giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Đặc biệt, hội thảo vinh dự được tiếp đón các thầy giáo kỳ cựu từng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của khoa Trang trí Nội ngoại thất và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp qua các thời kỳ ở vị trí chuyên môn và lãnh đạo đơn vị như: Thầy Trần Văn Mỹ, thầy Phạm Công Hoa, thầy Nguyễn Thanh Trúc, thầy Đặng Đình Dũng, thầy Ngô Bá Quang, thầy Võ Tá Hùng, thầy Nguyễn Mạnh Việt Cường.

Hội thảo bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30 phút sáng. Chủ tịch đoàn điều hành hội thảo “Đổi mới chương trình đào tạo các chuyên ngành khoa trang trí Nội ngoại thất” gồm có: ThS. GVC Trần Duy Minh – Phó trưởng khoa Trang trí Nội ngoại thất và TS Phạm Hoàng Vân. Sau lời phát biểu khai mạc hội thảo, các đại biểu tham dự nghiêm túc lắng nghe các bản tham luận của các giảng viên hiện đang tham gia công tác giảng dạy tại khoa. Khoa Trang trí Nội ngoại thất hiện đang đảm nhiệm giảng dạy ba chuyên ngành: Điêu khắc, Hội họa Hoành tráng và Thiết kế Nội thất. Do vậy, các bản tham luận gửi về hội thảo cũng được chia làm ba nhóm chuyên ngành tương ứng.

Danh sách các bản tham luận ngành Điêu khắc bao gồm:

  1.  “Nâng cao chất lượng quản lý đào tạo ngành Điêu khắc trong trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp” – TS Phạm Hoàng Vân
  2. Cần bổ sung học phần thiết kế trong hệ thống giáo trình đào tạo ngành Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội” – ThS Phạm Sinh

Danh sách các bản tham luận ngành Hội họa Hoành tráng bao gồm:

  1.  “Đào tạo chuyên ngành Hội hoa Hoành Tráng gắn liền với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam hiện nay” – ThS Ngô Bá Hoàng

Danh sách các bản tham luận ngành Thiết kế Nội thất bao gồm:

  1. Xây dựng giữ liệu bài tập điện tử chuyên ngành và giai đoạn thực tập cho sinh viên chuyên ngành Thiết kế Nội thất“- ThS Trương Mạnh Trung
  2. Đề xuất đổi mới khung chương trình đào tạo ngành thiết kế Nội thất” – ThS Vũ Thu Hoài
  3. Các giải pháp cải thiện kỹ năng mềm cho sinh viên trong quá trình học các đồ án thiết kế nội thất nhằm nâng cao khả năng hội nhập và cạnh tranh” – ThS Đinh Văn Tưởng.
  4. Môn Phương pháp xây dựng ý tưởng” – ThS Nguyễn Tuấn Trung
  5. Vận dụng phương pháp làm việc nhóm một cách hiệu quả trong việc học các môn đồ án” – ThS Hồ Tuấn Anh
  6. Cập nhật hệ thống nhận diện bản vẽ theo tiêu chuẩn ISO trong môn học cơ sở kiến trúc” – ThS Nguyễn Sao Mai
  7. Vai trò của tài liệu tham khảo trong thiết kế mỹ thuật công nghiệp chuyên ngành Thiết kế Nội thất” – ThS Đinh Thành Hưng

Nội dung hội thảo tập trung xoay quanh một số vấn đề thiết thực nhất đối với khoa Trang trí Nội ngoại thất trong thời điểm hiện tại như sau:

  1. Đánh giá thực trạng chung của 3 ngành đào tạo thuộc khoa trang trí Nội ngoại thất – Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà nội.
  2. Đổi mới chuơng trình khung đào tạo Mỹ thuật ứng dụng phù hợp với giai đoạn phát triển mới của xã hội.
  3. Đổi mới quản lý đào tạo chuyên ngành theo phương hướng, mục tiêu “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội”.
  4. Định vị rõ ràng mục tiêu của khoa: “đào tạo họa sĩ thiết kế / nhà thiết kế Mỹ thuật ứng dụng” theo các ngành học Điêu khắc ứng dụng, Hội họa trang trí hoành tráng, Thiết kế Nội ngoại thất…
  5. Đấy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng xưởng thực nghiệm theo mô hình FabLab (Fabrication Laboratory) – tức “phòng thí nghiệm chế tạo”, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thời đại 4.0, tạo không gian lý tưởng để những vấn đề nghiên cứu, những giải pháp sáng tạo và thiết kế sản phẩm trở thành hiện thực
  6. Tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp, hỗ trợ đầu ra, thúc đẩy vấn đề học đi đôi với hành, đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn xã hội.

Đánh giá cao chất lượng của các bài tham luận tại hội thảo, thầy Trần Văn Mỹ nhận định:  ngành Thiết kế Nội thất đã có nhiều thay đổi chú ý đến thị trường – yếu tố quan trọng mà giai đoạn trước chưa thực hiện được. Với ngành Điêu khắc, thầy cho rằng đây là ngành đặc thù đòi hỏi về kỹ thuật và chất liệu, tuy nhiên nên xác định yếu tố cốt lõi là ngôn ngữ tạo hình và không gian bày đặt.

Đồng thuận với nhận định của thầy Trần Văn Mỹ, thầy giáo – Điêu khắc gia Phạm Công Hoa cũng chia sẻ nhận định: điêu khắc môi trường là hài hòa của điêu khắc trong tổng thể không gian. Do đó, đây là yếu tố cần đặc biệt lưu ý trong nội dung giảng dạy.

Đối với các đề xuất đổi mới chương trình đào tạo và giảm chương trình đào tạo xuống còn 4 năm, thầy Nguyễn Thanh Trúc, thầy Đặng Đình Dũng và thầy Ngô Bá Quang, thầy Võ tá Hùng , thầy Nguyễn Mạnh Việt Cường, thầy Trần Duy Minh cũng đưa ra ý kiến đồng thuận và đưa ra những đề xuất cụ thể như:

– Giảm khối lượng đồ án, chú trọng vào các môn cơ sở ngành và cơ sở chuyên ngành, chia tỷ lệ các môn chuyên sâu phù hợp với nhu cầu học của sinh viên.

– Cụ thể hóa tiêu chí chấm bài trên đồ án.

– Xây dựng giáo trình cụ thể để trau dồi hiệu quả kỹ năng và tư duy cho sinh viên.

– Nâng cao tinh thần và thái độ trong học tập của sinh viên.

– Tăng cường vốn ngoại ngữ chuyên ngành để tiếp thu, cập nhật kiến thức quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, dưới góc độ phòng chức năng và quản lý đào tạo, ThS Bùi Trung Dũng – Phó phòng Đào tạo nói lời tri ân tâm huyết và sự sáng tạo của các thế hệ giảng viên khoa trang trí Nội ngoại thất. ThS Bùi Trung Dũng đồng thuận với đề xuất giảm thời gian đào tạo xuống 4 năm và khẳng định sẽ hoàn thành công tác tham mưu với Nhà trường để thúc đẩy việc rút ngắn thời gian đào tạo xuống còn 4 năm.

Đại diện Ban giám hiệu Nhà trường, PGS. TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng Phụ trách trường khẳng định cần có sự trao đổi, thống nhất trong công tác hoàn thiện đề cương, chương trình giảng dạy. Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự hội thảo sẽ là tiền đề để Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả và thực tế hơn.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ThS. GVS Trần Duy Minh nói lời trân trọng cảm ơn các đại biểu đã tham dự hội thảo. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng để khoa trang trí Nội ngoại thất tiếp tục thực hiện tốt hơn sự nghiệp đổi mới đào tạo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới trong sự phát triển văn hóa, kinh tế, chính trị và khoa học của đất nước.

Hội thảo kết thúc lúc 12h30 cùng ngày và đã thành công tốt đẹp!

Một số hình ảnh tại hội thảo

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan

Ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học và hướng nghiệp năm 2024

Ngày 14/4/2024, tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (ĐHMTCN) đã tổ chức...