Lịch sử trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

0
3118

Tổng quan quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và thành tích của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, từ năm 1949 đến năm 2014.

Trải qua hơn 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển, các thể hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN) đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong công tác, lao động, học tập, chung tay, chung sức xây dựng, vun đắp cho sự nghiệp Mỹ thuật Công nghiệp phát triển như ngày nay. Đặc biệt trong quá trình phấn đấu vươn lên và phát triển ấy, Nhà trường đã  vinh dự, tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trường vào ngày 25 tháng 10 năm 1958. Thực hiện những chỉ dạy và định hướng phát triển của Người từ đó đến nay, nhà trường luôn không ngừng đổi mới, xác định phát triển theo đúng mục tiêu và định hướng, không ngừng tăng lên về số lượng, chất lượng, quy mô đào tạo…và đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng Mỹ thuật Công nghiệp vào đời sống xã hội. Bên cạnh đó Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các bộ, ngành…của nhân dân đã chia sẻ, ủng hộ, quan tâm đến lĩnh vực Mỹ thuật Ứng dụng nói chung và trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp nói riêng trong suốt thời vừa gian qua.

Các giai đoạn hình thành, xây dựng và phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp từ năm 1949 đến năm nay:

1.  Giai đoạn 1949-1958

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN) được thành lập ngày 8 tháng 7 năm 1949 với tên trường: “Quốc gia Mỹ nghệ”- là trường sơ cấp, được Bộ chủ quản là Bộ Công thương (Sau này là bộ Nội thương và Công nghiệp) tiếp quản vào năm 1954, Trường là nơi đào tạo nghệ nhân cho một số nghề thủ công Mỹ nghệ như: sơn mài, chạm kim, dệt thảm len, nghề mộc… Tháng 12 năm 1954 trường được chuyển về Bộ Tuyên truyền-Văn nghệ ( Bộ Văn hoá-Thông tin sau này) với tên gọi mới là “Trường Mỹ nghệ Việt Nam”. Năm 1956 lần đầu tiên sau ngày tiếp quản trường tổ chức tuyển sinh. Bên cạnh đó Nhà trường đưa ra chủ trương chuẩn bị về mọi mặt để nâng cấp trường lên thành trường trung cấp. Vì vậy thời gian này đã bước vào kiện toàn nhân sự, rà soát lại mục tiêu, chương trình đào tạo, mở xưởng sản xuất, củng cố cơ sở vật chất…

2.  Giai đoạn 1958-1965

Một sự kiện quan trọng và là niềm vinh dự, tự hào đối với nhà trường, ngày 25 tháng 10 năm 1958 được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác về thăm và chỉ đạo, định hướng phát triển, làm cơ sở để trường phấn đấu xây dựng những năm tiếp theo.

Thực hiện sự chỉ đạo và lời dạy của Người về định hướng phát triển, vào thời điểm này Nhà trường đã xác định được nhiệm vụ chính trị và mục tiêu đào tạo là đào tạo ra các cán bộ làm nhiệm vụ sáng tác và thể hiện các mẫu hàng hoá mỹ nghệ phục phụ cho sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hoá phục vụ nhân dân. Vì vậy đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt như con người, chương trình, kế hoạch, mở rộng quy mô đào tạo, cơ sở vật chất…

Do có sự chuẩn bị trước và những thành tích đã đạt được về mọi mặt, vì vậy ngày 22 tháng 10 năm 1959 trường nhận được quyết định của Bộ Văn hoá nâng cấp trường “Sơ cấp Mỹ nghệ Việt Nam” thành trường “Trung cấp Mỹ nghệ”. Vào thời gian này, nhà trường đã mở ra những ngành đào tạo mới như: gốm, sứ, trang trí vải lụa, đồ chơi trẻ em, thiết kế đồ gỗ, thiết kế song mây tre, điêu khắc đá và gỗ. Việc trường được nâng cấp lên hệ Trung cấp đã khẳng định vai trò, vị trí của trường là đào tạo Trang trí – Mỹ nghệ, dần dần đưa đào tạo ngành nghề có tính ứng dụng rõ nét hơn bên cạnh những truyền thống vốn có.

Vào đầu những năm 60 của thể kỷ XX, Nhà trường tiếp tục phấn đấu để phát triển, đã xác định được mục tiêu tiếp theo là đem thẩm mỹ vào sản xuất, làm đẹp sản phẩm, phục vụ tiêu dùng, phục vụ phát triển công nghiệp của đất nước. Như vậy mục tiêu MTCN ra đời và rõ ràng hơn. Mặt khác chuẩn bị kỹ về con người, cử người đi học, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài về lĩnh vực MTCN và đào tạo MTCN, mời các giáo sư nước ngoài sang trao đổi, giảng dạy về một số chuyên ngành MTƯD, xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch giảng dạy theo hướng MTCN, quan tâm đến sản xuất, ứng dụng, chuẩn bị cơ sở vật chất, phát triển về quy mô… Ngày 6 tháng 6 năm 1962, Bộ Văn hoá ra Quyết định số 218 VH/QĐ trường được đổi tên thành trường “Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp”. Cũng trong năm 1962 trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba và là trường tiên tiến của ngànhVăn hoá.

3.  Giai đoạn 1965-1984

Thực hiện quyết định số 185/CP, ngày 3 tháng 9 năm 1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở hệ Cao đẳng tại trường trung học chuyên nghiệp và đổi tên trường “Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp” thành trường “Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp” (CĐMTCN). Sau khi có quyết định, nhà trường tuyển sinh khoá Cao đẳng đầu tiên, cũng vào thời điểm này Nhà trường phải rời Hà Nội đi sơ tán lên Hà Bắc (những năm1965-1967 và 1967- 1971), và năm 1972 sơ tán lên Đoan Hùng (Vĩnh Phú).

Theo Quyết định của Hội Đồng Chính phủ chuyển trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp từ Bộ Văn hoá về Bộ Công nghiệp nhẹ. Ngày 26 tháng 8 năm 1972 Bộ Công nghiệp nhẹ đã ký Quyết định số 569/CNN-TCQL chính thức tiếp nhận trường CĐMTCN từ Bộ Văn hoá sang kể từ ngày ký biên bản bàn giao (7 tháng 8 năm 1972). Ngày 26/4/1973 Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ ký quyết định số 276/TCQL“Quyết định chấn chỉnh tổ chức trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp”.

Từ năm1965 đến năm1984, song song với việc đào tạo ở bậc học trung cấp, năm 1966 Nhà trường bắt đầu được giao nhiệm vụ đào tạo hệ Cao đẳng chính quy ngành Mỹ thuật công nghiệp với 13 ngành là: Thiết kế trang trí Dệt; Thiết kế Đồ hoạ;  Thiết kế Nội thất; Điêu khắc; Hội hoạ Hoành tráng; Thiết kế Thời trang; Gốm; Thiết kế Trang sức; Sơn mài; Thiết kế Đồ chơi và phương tiện hỗ trợ học tập; Thiết kế Thuỷ tinh; Thiết kế trang trí Kim loại; Thiết kế Công nghiệp. Tổng số khoá học nhà trường đào tạo ở giai đoạn này là: 20 khoá trung cấp, với số sinh viên tốt nghiệp là: 534 và 20 khoá cao đẳng với số sinh viên tốt nghiệp là: 352.

4.  Giai đoạn 1984 đến nay

Ngày 16/11/1984 Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tường Chính phủ) ra quyết định số 148/HĐBT đổi tên trường “Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp” thành trường “Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ”.

Năm 1984 trường đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trường ĐHMTCN vinh dự nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước về thăm trường. Phải kể đến đồng chí Trường Chinh, Đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp…

Sau khi được đổi tên và nâng cấp từ đào tạo trình độ Cao đẳng lên trình độ Đại học, Nhà trường tiếp tục là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội với 13 chuyên ngành thuộc hệ đào tạo Đại học- ngành Mỹ thuật Công nghiệp.

Năm 1984 Nhà trường đã được Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (THCN), (nay là Bộ GD&ĐT) cho phép mở lớp ĐHMTCN tại thành phố Hồ Chí Minh (lớp học này đã được khai giảng ngày 18/12/1984). Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo được 03 khoá Đại học Chuyên tu, và 08 khoá Đại học Liên thông với 13 chuyên ngành trên. Riêng hệ Đại học vừa làm vừa học Nhà trường đã đào tạo được các chuyên ngành: Thiết kế Đồ hoạ, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang, Điêu khắc và Sơn mài. Đặc biệt, Nhà trường còn liên kết đào tạo hệ đại học vừa làm vừa học với các trường đại học, trường trung cấp tại các địa phương như: Đại học Tôn Đức Thắng – Tp. Hồ Chí Minh (03 khoá), Trường Cao đẳng nghề chế biến gỗ Hà Nam (01 khoá), Trường trung cấp cắt may – Công ty May 10 (02 khoá), Trường trung cấp May – Công ty May Đức Giang (01 khoá), Trường trung cấp xây dựng Nam Định (02 khoá), Trường trung cấp Y-Dược Phạm Ngọc Thạch (01 khoá),… Hầu hết những sinh viên và học viên hoàn thành khoá học với những thiết kế đồ án và thuyết minh, luận văn tốt nghiệp có chất lượng cao, nhiều đồ án tốt nghiệp đã được đánh giá là những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có giá trị ứng dụng rộng rãi trong xã hội và là những tác phẩm nghệ thuật được giải thưởng quốc tế, quốc gia và lưu giữ tại các bảo tàng trong nước và quốc tế.

Năm 2000 Trường được Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép mở hệ Cao học  với 02 ngành: Lý luận và lịch sử Mỹ thuật Ứng dụng (Mã số: 60210401) và Thiết kế Mỹ thuật Ứng dụng (Mã số: 60210410). Những luận văn tốt nghiệp cao học đã trở thành những tài liệu nghiên cứu hữu ích phục vụ cho công tác NCKH, đào tạo của nhà trường.

Từ ngày thành lập cho đến nay, trường ĐH MTCN luôn giữ một vị trí quan trọng trong sự phát triển đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội và nghệ thuật cũng như mỹ thuật ứng dụng của đất nước. Đến nay, nhà trường đã đào tạo cho xã hội hàng chục ngàn hoạ sĩ, các nhà thiết kế của 13 ngành thuộc nhiều thế hệ khác nhau, khẳng định rõ vai trò là một trung tâm đào tạo mỹ thuật ứng dụng số một có uy tín của cả nước.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here