Ngành Điêu khắc hình thành từ Ban điêu khắc đá – Trường Quốc Gia Mỹ Nghệ, với sự nhìn xa trông rộng của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khang là ước muốn trường có một đội ngũ chạm khắc đá chuyên nghiệp và hùng hậu, nhằm thực hiện trang trí nhiều tượng, phù điêu đá cho Hội trường Quốc Hội khi đó đang xây. Thầy Trác được mời về hướng dẫn chạm khắc đá để thực hiện kế hoạch này. Thầy Nguyễn Văn Lý, nhà điêu khắc giảng viên phụ trách chuyên ngành Điêu khắc, là phó chủ nhiệm khoa. Sau này có thêm thầy Nguyễn Minh Trí, từ Cộng hòa dân chủ Đức về. Thầy Nguyễn Hải, thầy Lê Công Thành, được bổ sung vào đội ngũ giảng dạy của khoa, là hai nhà điêu khắc nổi tiếng, sau này đều được tặng giải thưởng Nhà nước. Hai thầy đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cả trên lĩnh vực tượng trong nhà và tượng lớn ngoài trời. Tượng đài chiến thắng đầu tiên hạ máy bay Mỹ đặt trên ga Kép chính là tác phẩm của thầy Nguyễn Hải cùng với tập thể sinh viên lớp điêu khắc của khoa thực hiện. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ dựng trên đồi A1, tác giả cũng là thầy Nguyễn Hải.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, từ những năm 60, trường ta đã mời chuyên gia nước ngoài từ Liên Xô là nhà điêu khắc Ghi -vi và thầy Phạm Gia Giang, một thầy giáo lão thành, đầy uy tín giảng dạy lâu năm của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Từ đó, các thầy giáo, cô giáo chuyên ngành điêu khắc có hệ thống kiến thức vững vàng đã bổ sung cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của khoa cho đến ngày nay. Sinh viên khóa đầu (K1), đến nay có nhiều người đã trên 70 tuổi có những thành quả lao động sáng tạo đáng ca ngợi, được nhà nước ghi danh, làm rạng rỡ cho ngành Điêu khắc của nhà trường.
Các tác phẩm điêu khắc của Mỹ thuật Công nghiệp mang một phong cách riêng, mang lại vẻ hoành tráng gắn với môi trường, với không gian kiến trúc. Những tác phẩm của các thế hệ sinh viên, giảng viên đã đạt được nhiều giải thưởng hàng năm trong các cuộc triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam và triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Ngoài hai thầy Nguyễn Hải, Lê Công Thành còn có ba điêu khắc gia, nguyên là cựu sinh viên của khoa: nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Hứa Tử Hoài và Lê Liên cũng được nhận giải thưởng Nhà nước. Bên cạnh đó còn có rất nhiều tượng đài và những tượng, nhóm tượng khác được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật của các nhà điêu khắc: Trần Hùng, Nguyễn Duy Độ, Hồng Ngọc, Ninh Thị Đền, Trần Văn Mỹ, Phạm Xuân Sinh, Đỗ Quốc Vị. Ngành điêu khắc trước đây cũng đã có xưởng thực nghiệm do cụ Trác hướng dẫn đổ khuôn thạch cao. Điều kiện học tập tốt vì có nhiều nguyên liệu đá để sinh viên tập đục.
Ngành điêu khắc thể hiện chất liệu khá phong phú trên gỗ, đá, đồng, nhôm, gốm sứ… Trường hợp chưa đủ kinh phí để thực hiện đúng chất liệu, các tác giả đã tạm thay thế bằng chất liệu bê tông hoặc com – po -zit rồi làm giả chất liệu, cũng đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật.
Ngay nay, ngành Điêu khắc là một trong ba ngành đào tạo của khoa Trang trí Nội – Ngoại thất. Ngành Điêu khắc đào tạo cử nhân họa sỹ điêu khắc sáng tạo phù điêu, tượng trang trí bên trong, bên ngoài các công trình kiến trúc, tượng đài, tượng doanh nhân, trên nhiều chất liệu; đồng, đá, xi măng, composit…
GS. NSƯT. HS Lê Thanh – Nguyên chủ nhiệm khoa Trang trí Nội, ngoại thất