Nghệ thuật Sơn mài tại chương trình “Ngày Việt Nam” (Vienna- Áo)

Trong chương trình Ngày Việt Nam tại Vienna – Áo (28/9/2022 –  29/9/2022), nghệ thuật Sơn mài Việt Nam nhận được sự quan tâm, yêu thích của rất nhiều khán giả quốc tế tới tham quan triển lãm.

Chương trình “Ngày Việt Nam” tại Vienna Áo năm 2022 (28 –  29/9) được tổ chức hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo. Chương trình diễn ra ở thủ đô Vienna, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Trong khuôn khổ chương trình, Không gian Văn hoá Việt Nam là một trong ba sự kiện nổi bật. Cùng với các màn biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trà Song Hỷ, tranh dân gian Đông Hồ, nghệ thuật Sơn mài Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự yêu thích của khán giả quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham quan và nghe giới thiệu về nghệ thuật Sơn mài Việt Nam

 Sơn mài là chất liệu hội họa truyền thống độc đáo rất nổi tiếng của Việt Nam được giới nghệ sỹ và các khán giả yêu nghệ thuật quốc tế đặc biệt yêu thích. Trải qua thời gian, nghệ thuật Sơn mài ra đời và phát triển với đa dạng nội dung, hình thức, xu hướng nghệ thuật, thể hiện nét độc đáo trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Các tác phẩm Sơn mài mang vẻ đẹp kỳ diệu ẩn dưới lớp sơn sang trọng, lộng lẫy mà vẫn rất đằm thắm, tinh tế.

Các tác phẩm, sản phẩm Sơn mài Việt Nam được trưng bày tại Không gian Văn hóa Việt

Họa sỹ Trần Anh Tuấn giới thiệu với khán giả Áo và kiều bào về nghệ thuật Sơn mài 

Họa sỹ Sơn mài Trần Anh Tuấn – Giảng viên chuyên ngành Hội họa Sơn mài của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đảm nhận công tác giới thiệu nghệ thuật Sơn mài tại chương trình lần này. Trong không gian của sự kiện, cùng với các tác phẩm Hội họa Sơn mài và sản phẩm sơn mài được trưng bày tại triển lãm, họa sỹ Trần Anh Tuấn đã giúp các vị khách có thêm nhiều thông tin trực quan về nghệ thuật Sơn mài Việt Nam như: các chất liệu sơn mài, cách làm chất liệu gắn trứng, trai, ốc, kỹ thuật dát bạc, vàng, kỹ thuật vẽ màu sơn mài; lịch sử phát triển của nghệ thuật Sơn mài Việt Nam cùng các tác phẩm, sản phẩm độc đáo, khác biệt của riêng Sơn mài Việt Nam..

Họa sỹ Trần Anh Tuấn hướng dẫn họa sỹ Gerhard Leixl (Áo) vẽ Sơn mài

Cùng với họa sỹ, bạn bè quốc tế và khách tham dự còn được trải nghiệm vẽ Sơn mài lên các sản phẩm lưu niệm ngay tại Không gian Văn hóa Việt Nam  và lưu giữ các sản phẩm đó như lưu giữ một giá trị văn hóa nghệ thuật của đất nước, con người Việt Nam. Trải nghiệm làm Sơn mài thu hút sự tham gia của rất đông khách tham gian triển lãm. Các vị khách đã có được một vài trải nghiệm đơn giản trong rất nhiều quy trình làm sơn mài kỳ công. Những trải nghiệm nhỏ đó đã mang đến những cảm nhận lý thú cho các vị khách khi khám phá vẻ đẹp, hiệu quả thị giác diệu kỳ ẩn sau mỗi lớp sơn. Để làm nên một tác phẩm Sơn mài đẹp đẽ, người họa sỹ rất công phu, tỷ mỉ trong từng công đoạn. Mỗi một lớp sơn, một lượt mài đều mang đến những sự bất ngờ cho chính người họa sỹ.

Họa sỹ Trần Anh Tuấn hướng dẫn các vị khách vẽ Sơn mài

Nhận định về các tác phẩm nghệ thuật Sơn mài Việt Nam trưng bày tại Không gian Văn hoá Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có lời khen ngợi vẻ đẹp của các tác phẩm, sự thú vị của chất liệu cũng như sự độc đáo trong ngôn ngữ biểu đạt của Sơn mài. Sơn mài thực sự là tinh hoa và niềm tự hào của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Ông hy vọng nghệ thuật Sơn mài sẽ được giới thiệu rộng rãi hơn nữa tới bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng cầu nối giao lưu văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia và các nền văn hóa.

 Nghệ thuật Sơn mài cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống đã góp phần làm nên sự thành công cho Không gian Văn hoá Việt Nam. Vẻ đẹp độc đáo mang đậm tinh thần Việt Nam của Sơn mài đã giúp người xem thêm hiểu và yêu mến vẻ đẹp con người, văn hóa nghệ thuật Việt Nam, góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước Việt Nam – Áo./.

SourceĐH MTCN

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan