Nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ: “Ứng dụng công nghệ thiết kế và in 3D để tạo mẫu sản phẩm một số ngành nghề truyền thống trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật công nghiệp”

Theo kế hoạch công tác, ngày 22/12/2023, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (ĐHMTCN) tiến hành nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ: “Ứng dụng công nghệ thiết kế và in 3D để tạo mẫu sản phẩm một số ngành nghề truyền thống trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật công nghiệp” do ThS. Nguyễn Thanh Giang – Phó trưởng khoa Mỹ thuật Truyền thống làm chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm 7 thành viên do GS.TS Trương Quốc Bình – Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng.

ThS Nguyễn Thanh Giang trình bày báo cáo tóm tắt nội dung nghiên cứu

Tại buổi nghiệm thu, ThS Nguyễn Thanh Giang đã trình bày báo cáo tóm tắt nội dung kết quả nghiên cứu. Đề tài thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng công nghệ 3D (bao gồm thiết kế và tạo mẫu khuôn cốt với máy in 3D) để tạo mẫu sản phẩm một số ngành nghề truyền thống trong lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp: Sơn mài, Trang sức, Gốm tại Trường ĐHMTCN và một số cơ sở ở các làng nghề tại Hà Nội. Tác giả xác định kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ giáo trình giảng dạy mỹ thuật ứng dụng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt có đào tạo ngành nghề truyền thống như sơn mài, trang sức, gốm; thúc đẩy tư duy sáng tạo của các nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp trong tạo mẫu sản phẩm để có năng lực tiếp cận nhu cầu xã hội cũng như những yêu cầu thực tế.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá về đề tài

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ có liên quan, kết quả nghiên cứu hỗ trợ công nghệ để các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước một cách dễ dàng hơn qua các mẫu sáng tạo được định hình bằng công nghệ 3D; hỗ trợ liên kết giữa nhà thiết kế với làng nghề, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ để có những thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ 3D trong sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mang tính mũi nhọn của các doanh nghiệp; tăng hiệu quả nghệ thuật cũng như các giá trị về văn hóa và kinh tế của các sản phẩm thuộc ngành nghề đào tạo truyền thống.

Đánh giá về kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất nhận xét, đánh giá cao giá trị khoa học và thực tiễn của đề tài trong ứng dụng công nghệ thiết kế và in 3D để tạo mẫu sản phẩm một số ngành nghề truyền thống trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật công nghiệp – đặc biệt là ngành sơn mài, trang sức, gốm do ThS Nguyễn Thanh Giang làm chủ nhiệm đề tài.

GS.TS Trương Quốc Bình – Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ

Đánh giá kết quả nghiên cứu, GS.TS Trương Quốc Bình – Chủ tịch Hội đồng nhất trí với các ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng đối với đề tài, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tác giả đồng thời đề nghị tác giả tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, ý kiến góp ý để bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện đề tài trong thời gian sớm nhất. Các thành viên Hội đồng nghiệm thu thống nhất đồng ý nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu áp dụng nguyên lý thiết kế bền vững trong đào tạo thiết kế thời trang tại Việt Nam”.

Các thành viên Hội đồng và đồng nghiệp chúc mừng tác giả bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học

SourceĐH MTCN

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan